CANSLIM là gì? Đây là hệ thống đầu tư cổ phiếu tăng trưởng vào giai đoạn thị trường tăng trưởng, do William O’Neil đúc kết ra. Thực hành phương pháp CANSLIM ở Việt Nam cho thấy nó hiệu quả, xứng đáng được Nhà đầu tư nghiên cứu, học hỏi. 

Xuất phát của phương pháp CANSLIM là kết quả từ nghiên cứu hơn 600 công ty thành công vang đội trên Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ của William O’Neil. Ông tổng hợp lại bộ tiêu chí của mình thành một từ dễ nhớ: CANSLIM, xuất bản cuốn sách “How to make money in stocks” (tựa tiếng Việt: Làm giàu qua chứng khoán) rất nổi tiếng vào năm 1988.

Bạn có thể dễ dàng biết được các chữ cái trong CANSLIM đại diện cho các tiêu chí gì, Chúng Tôi có bài phân tích chuyên sâu hơn.

Phương pháp CANSLIM là gì? Những đánh giá chuyên sâu

nhưng trước khi đi vào phần đó, hãy chú ý các nhận xét mà lần đầu Bạn được biết về phương pháp CANSLIM này:

Phương pháp luận của Oneil là khoa học

Trong cuốn sách “How to make money in stocks”, Oneil rất nhiều lần đề cập rằng, CANSLIM không phải là phương pháp mà ông “nghĩ” ra, mà đây là kết quả của một nghiên cứu trường kỳ hơn 600 cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ nhất trên TTCK Mỹ, rút ra các đặc điểm chung nhất của các cổ phiếu thành công này.

Nghĩa là ông nghiên cứu lịch sử, trên một tập hợp lớn, trải trên một thời gian dài, và rút ra các kết luận khoa học.

Đây là điểm Tích Trữ đánh giá cao nhất, phân biệt CANSLIM với các phương pháp (Chúng Tôi gọi là vớ vẩn) như Elliott, Harmonic, Ichimoku… Các phương pháp này có cách phương pháp luận rất mông lung, duy tâm, ví dụ:

  • Sóng Elliott: Ông Ralph Nelson Elliott (1871-1948) cho rằng giá cả thị trường diễn ra theo các hình mẫu cụ thể giống như trong tự nhiên (cụ thể là sóng biển), nên ông quan sát sóng biển để áp dụng vào phân tích chứng khoán. Ông dùng tỷ lệ Fibonaci trong tự nhiên để áp dụng cưỡng bức vào phân tích chứng khoán.
  • Harmonic, Ichimoku… cũng có cách tiếp cận tương tự như Elliott. Câu chuyện  khởi nguồn các phương pháp này đa phần đều nhuốm màu huyền bí (giống như huyền thoại Sơn Tinh – Thủy Tinh của người Việt cổ để lý giải cho hiện tượng lũ lụt hàng năm).
Phân tích kỹ thuật là gì?

Nếu đọc sách quản trị, các bạn sẽ thấy rằng, cuốn sách mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng hâm mộ nhất – “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins – cũng có cách nghiên cứu giống như William Oneil. 

Jim Collins và đội ngũ của mình cũng nghiên cứu các doanh nghiệp vĩ đại của nền kinh tế Mỹ, sàng lọc qua nhiều tiêu chí khách quan, và cuối cùng đúc kết ra các đặc điểm chung nhất của các doanh nghiệp “từ tốt chuyển mình thành vĩ đại”.

Thực tế, vào thời kỳ mà O’Neil sinh sống, thì ngành “Phân tích chứng khoán” mới dần được coi là một ngành khoa học thực thụ. Các khái niệm nền móng như “giá cả, giá trị” mới được khai sáng cách đó chưa lâu, các lý thuyết đầu tư đều mới và gây nhiều tranh cãi. 

O’Neil xứng đáng được ghi nhận là một người tiên phong xuất sắc, tuy rằng vẫn còn nhược điểm.

CANSLIM phù hợp với Nhà đầu tư cá nhân có vốn ít, và “chưa chuyên sâu”

CANSLIM là phương pháp “bình dân”, dành cho đa số mọi Nhà đầu tư, dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng. Tại sao như vậy?

William O’Neil xuất thân làm nghề môi giới chứng khoán (broker), sau này ông thành lập công ty môi giới riêng của mình (O’Neil & Co., Inc) và xuất bản tờ Investor’s Bussiness Daily – một tờ tạp chí đầu tư có các bộ chỉ số độc quyền (chỉ số RS – Relative Strengh) và có thu phí. 

Thành công của ông gắn liền với công ty môi giới và tờ báo của mình, không phải đến từ kết quả đầu tư thành công vang dội (giống Warren Buffett). Phương pháp này hướng đến việc phổ cập cho đại chúng, và thành thật thì:

CANSLIM thực chất là công cụ để phát triển công ty/tờ báo của O’Neil.

Ngay từ cụm từ CANSLIM cũng là 1 thủ thuật Marketing thành công của O’Neil để truyền tải thông điệp đến số đông. Dễ nhớ, dễ học (giống thông điệp 5K của Bộ Y Tế Việt Nam). Sau này, cách làm của O’Neil được nhiều người khác áp dụng thành công, ví dụ như Phil Town với phương pháp 4M, Tom William với cuốn sách “Trading in shadow of smart money”.

Nói như vậy không có nghĩa Tích Trữ đánh giá thấp CANSLIM. Mà ngược lại, chính vì xuất thân từ nghề môi giới chứng khoán nên ông thấu hiểu được tâm lý, tiềm lực tài chính, trình độ của đa số Nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy Lời khuyên của ông “thực tế” hơn với đa số, và khác nhiều so với các NĐT dài hạn, ví dụ:

  • Nếu như Warrent Buffett sẵn sàng mua vào tiếp sau khi cổ phiếu của ông đã giảm 50%, thì O’Neil lại khuyên NĐT cá nhân nên bán khi chạm mức stop-loss 7%. Đây là lời khuyên đúng đắn, bởi không phải ai cũng có dòng tiền dồi dào như Buffett để “mua tiếp” khi giá đã giảm đến 50%.
  • Nếu như Warrent Buffett sẵn sàng mua “bắt đáy” khi doanh nghiệp gặp một sự cố nào đó, giá đã giảm mạnh, thì O’Neil lại khuyên NĐT cá nhân không nên bắt đáy, mà nên mua khi giá bứt phá khỏi một nền tảng tích lũy tiếp diễn. Hiểu nôm na, Buffett sẽ “ăn” được từ gốc đến ngọn, còn phương pháp của O’Neil là khuyên nên chọn “phần giữa”, bởi nếu bắt đáy, có thể mất đến vài năm chờ đợi.
  • O’Neil cực kỳ coi trọng việc nhận diện xu thế thị trường chung (Market Direction). Còn với Buffett, hay đặc biệt là Fisher, các vị này sẵn sàng “phớt lờ” các nhịp điều chỉnh giảm 10-30% của thị trường.
Đầu tư giá trị và cạm bẫy

CANSLIM có áp dụng được ở thị trường chứng khoán Việt Nam không?

Tích Trữ khẳng định là có, áp dụng được, hiệu quả.

Rất nhiều cổ phiếu mà Tích Trữ tư vấn, nếu soi chiếu lại theo tiêu chí CANSLIM, thì nó đáp ứng được gần như hết.

Một số cổ phiếu Chúng Tôi tư vấn thành công theo phương pháp CANSLIM mà các bạn có thể nghiên cứu là: PNJ năm 2016-2017; PTB năm 2017; VCS giai đoạn 2016-2018; NTC giai đoạn 2019-2020…vv

Năm 2014, Tích Trữ từng có bản phân tích cổ phiếu CVT – theo đúng mẫu hình Cup and Handle mà O’Neil đề cập, các bạn có thể xem lại

Bài phân tích Cốc và tay cầm tại CVT năm 2014

Hạn chế của CANSLIM

Tích Trữ từng rất hâm mộ CANSLIM những năm đầu khi mới đầu tư chứng khoán; bởi phải thừa nhận, văn phong của William O’Neil trong cuốn “Làm giàu qua chứng khoán” rất kích thích, rất hấp dẫn.

Nó khêu gợi ngay từ tiêu đề cuốn sách, phần nội dung dẫn ra nhiều câu chuyện thành công khi áp dụng CANSLIM, và đặc biệt là chỉ ra các cổ phiếu siêu thành công khi áp dụng CANSLIM. Phải thừa nhận tài năng marketing của O’Neil là siêu việt, bằng chứng là cuốn sách xuất bản năm 1988, đến nay vẫn là cuốn bán rất chạy trong mảng sách đầu tư.

Theo thời gian, đội ngũ Tích Trữ trưởng thành hơn trong đầu tư, và cũng có những đánh giá khách quan hơn về điểm hạn chế của phương pháp này, mà Chúng Tôi từng gặp phải (và quan sát được ở phần đông NĐT) sau hơn 10 năm chinh chiến trên thị trường chứng khoán:

Thứ nhất, CANSLIM thống kê hiện tượng, chưa lý giải được bản chất.

Giống như tục ngũ Việt Nam “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, CANSLIM chỉ ra được các hiện tượng, các đặc điểm sẽ xuất hiện ở siêu cổ phiếu, và… chỉ dừng lại ở đó. Phần lý giải nguyên nhân đằng sau các hiện tượng đó, O’Neil giải thích chưa tới – mà ông cũng không có ý định giải thích chuyên sâu.

Vì vậy, một sai lầm phổ biến mà NĐT cá nhân ở Việt Nam hay dùng, là áp dụng máy móc bộ tiêu chí CANSLIM. Rất nhiều CTCK xây dựng bộ lọc CANSLIM – cho ra hàng dài kết quả, và giới thiệu nó đến NĐT.

Việc áp dụng máy móc – cũng rất tốt – nhưng bạn sẽ gặp một số vấn đề sau:

  • Vì không hiểu bản chất của hiện tượng, nên phần đông khi đầu tư theo CANSLIM không dám “đầu tư lớn”, mà thường phân bổ nhiều mã. Hiệu quả tổng thể danh mục vì vậy không được tối ưu.
  • Khó nắm giữ được một “siêu cổ phiếu” qua 6 tháng – 2 năm. O’Neil cũng từng khuyên NĐT nên nắm giữ đến khi thị trường đảo chiều, và trong thống kê của ông cũng nói nhiều cổ phiếu tăng gấp 10 lần sau vài năm. Tuy nhiên, nếu bạn không hiểu sâu về cơ bản của doanh nghiệp, rất khó để bạn nắm giữ quá 6 tháng.
  • Dễ thấy nhiều nhất, là khi Bạn áp dụng 1-2 cổ phiếu theo CANSLIM và không thành công, Bạn có xu hướng đi tìm một phương pháp khác chính xác hơn, một mô hình khác, một tên gọi khác… Đấy là hậu quả của việc “đi chưa hết bản chất vấn đề” của phương pháp CANSLIM.

Để khắc phục hạn chế này của CANSLIM, Bạn buộc phải mở rộng kiến thức về đầu tư chứng khoán của mình ra xa hơn. Việc này đòi hỏi bạn đào sâu phân tích, chăm chỉ đọc sác, kiên trì đầu tư hơn. Các cuốn sách dưới đây – theo Tích Trữ – sẽ giúp Bạn bổ sung kiến thức đầy đủ hơn cho phương pháp CANSLIM:

  • Phương pháp đầu tư Warrent Buffett
  • Cổ phiếu thường lợi nhuận phi thường
  • Quá trình hình thành nhà tư bản Mỹ
  • Hòn tuyết lăn
  • Phân tích kỹ thuật trường phái VSA
  • Từ tốt đến vĩ đại…

Nếu bạn muốn học hỏi nhanh hơn, giúp bạn định hướng tốt hơn, hãy tìm hiểu về khóa học đầu tư của Tích Trữ đang xây dựng.

Thứ hai, không hiệu quả với một số doanh nghiệp đặc thù.

CANSLIM hơi máy móc các tiêu chí của mình, nên vô hình bỏ sót nhiều ngành có tính đặc thù như bất động sản, y tế…

Ví dụ 1: Trong tiêu chí đầu – C: Current EPS – CANSLIM yêu cầu EPS quý/năm hiện tại càng cao càng tốt, và phải tăng trưởng. Một doanh nghiệp Bất động sản có dự án lớn sẽ chào bán vào đầu năm 2022, thì EPS của quý III, IV năm 2021 chưa thể cao được, thậm chí còn thấp, và đi giật lùi về tăng trưởng. Song, nó vẫn có thể là cổ phiếu tốt để đầu tư vì quý I/2022 nó sẽ đột biến về doanh thu, lợi nhuận rồi.

Ví dụ 2: Tiêu chí I – Institution – có sự đầu tư của tổ chức, hay quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Nếu chiếu theo tiêu chí này, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội ở cổ phiếu Vicostone (VCS) – một siêu cổ phiếu tăng giá hàng chục lần trong vòng 2 năm, chỉ bởi vì VCS là doanh nghiệp mà cổ đông tổ chức (Red River Holding) bị văng ra khỏi doanh nghiệp sau màn M&A ngược kinh điển, giúp doanh nghiệp quy về một mối của Chủ tịch Hồ Xuân Năng.

Xem thêm: Thương vụ M&A vô tiền khoáng hậu, giá cổ phiếu tăng 37 lần sau 4 năm.

Hạn chế này, nhìn một cách công bằng, là do thời đại mà O’Neil sinh sống, chưa xuất hiện các loại hình doanh nghiệp mới như ngày nay; và thẳng thắn, thì ngành phân tích chứng khoán thời điểm đó chưa phát triển mạnh để bổ khuyết cho O’Neil. Ông đơn giản là có quá ít tài liệu tham khảo.

Đến như Warrent Buffett năm 1988 mới dần định hình được phong cách đầu tư với thương vụ đầu tư vào Cocacola. Năm 1988 thì O’Neil đã xuất bản cuốn sách và giới thiệu phương pháp CANSLIM rồi.

Thứ ba, thiếu sót nhiều tiêu chí rất quan trọng trong ngày nay.

Ngày nay, các tài sản vô hình (như lợi thế cạnh tranh bền vững; tài năng, tính cách của ban lãnh đạo; mô hình kinh doanh đột phá…) ngày càng quan trọng khi đầu tư. CANSLIM đưa ra một hệ thống mà nếu tuân thủ máy móc, rất có thể bạn sẽ phải trả giá cho các thương vụ thảm họa vì ban lãnh đạo tham ô, hay doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh.

Tất nhiên phải đặt trong bối cảnh thời đại của O’Neil sinh sống, các tài sản vô hình này vẫn chưa được coi trọng. Trong các phương pháp đầu tư hình thành cùng thời, chỉ có Fisher là đề cập đến các tài sản vô hình này. Fisher – qua phương pháp “lời đồn đại” – đã nghiên cứu kỹ về ban lãnh đạo, về mối quan hệ với người lao động, về cách thức tổ chức bán hàng của doanh nghiệp… để phát hiện ra một doanh nghiệp tăng trưởng. Vì vậy, nếu bạn có ý định đi sâu hơn về phân tích, thì CANSLIM là chưa đủ.

Chúng tôi cho rằng O’Neil cũng nhận ra các thiếu sót trong phương pháp CANSLIM, nên ông đã nhấn mạnh một quy tắc nổi tiếng – đó là “Cắt lỗ khi mức lỗ là 7%”.

Không có ngoại lệ!

Đây là một lời khuyên đột phá, rất phù hợp với vị thế cá nhân của đa số Nhà đầu tư.

Tổng kết

Phương pháp CANSLIM của William O’Neil rất xứng đáng để bạn – Nhà đầu tư cá nhân – học hỏi, áp dụng. Tuy nhiên cần hiểu biết về những nhược điểm của nó, và đừng dừng lại, hãy tìm hiểu sâu hơn về đầu tư để bổ sung vốn kiến thức của mình. Học hỏi nhưng đừng ngại nghi ngờ những phương pháp nổi tiếng, vì rất có thể bối cảnh lịch sử, nền kinh tế ở Việt Nam khác với giai đoạn hình thành phương pháp đó ở Hoa Kỳ.

Chúc các bạn thành công với phương pháp CANSLIM.

Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích Bạn nhé!