Phân tích kỹ thuật là gì?

Phân tích kỹ thuật là gì?

Phân tích kỹ thuật là phương pháp phân tích chứng khoán để nhận định xu hướng giá cả, thông qua việc nghiên cứu dữ liệu quá khứ, chủ yếu là giá và khối lượng giao dịch. Không giống như phân tích cơ bản, cố gắng đánh giá giá trị của chứng khoán dựa trên kết quả kinh doanh như doanh thu và thu nhập, phân tích kỹ thuật tập trung vào nghiên cứu giá và khối lượng.

Điểm chính

  • Phân tích kỹ thuật chỉ nghiên cứu dữ liệu Giá và Khối lượng giao dịch trong quá khứ, được hiển thị trên biểu đồ.
  • Nhà phân tích kỹ thuật tin tưởng rằng sự thay đổi về Giá và Khối lượng giao dịch đã phản ánh mọi tin tức có giá trị về cơ bản đằng sau chứng khoán.
  • Phân tích kỹ thuật có thể trái ngược với phân tích cơ bản – vốn là việc dựa vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn giản là Phân tích kỹ thuật tin tưởng vào các mô hình giá trong lịch sử hơn.

Giả định của Phân tích kỹ thuật

Các công cụ phân tích kỹ thuật được sử dụng để xem xét kỹ lưỡng cách cung-cầu của cổ phiếu/chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến giá cả, khối lượng giao dịch và độ biến động của nó. Các công cụ này hoạt động dựa trên giả định rằng các biến động trong quá khứ có thể là chỉ báo có giá trị để nhận định được xu thế biến động giá cả trong tương lai, khi được kết hợp với các quy luật đã được đúc kết trong quá khứ.

Nếu bạn thấy đoạn trên hơi khó hiểu, thì hãy nghĩ như thế này: Phân tích kỹ thuật là đi giải bài toán Tìm xu hướng của cổ phiếu dựa trên 2 dữ liệu cho trước là Giá và Khối lượng giao dịch trong quá khứ

Mr Đoàn Xuân Thạo – Founder Tichtru.com

Các công cụ có thể được dùng để tạo ra các tín hiệu giao dịch ngắn hạn trên nhiều biểu đồ khác nhau; nhưng đồng thời cũng có thể giúp so sánh cổ phiếu/doanh nghiệp đó so với thị trường chung hoặc so với các đối thủ trong ngành. Thông tin này cũng hay được các nhà phân tích cơ bản sử dụng để đánh giá.

Trên thế giới, phân tích kỹ thuật lần đầu được thừa nhận rộng rãi khi nó được giới thiệu bởi Charles Dow. Lý thuyết của Dow ra đời vào cuối những năm 1800s. Ngày nay, chỉ số chứng khoán nổi tiếng nhất là chỉ số Dow Jones là sự kết hợp của 2 cái tên Charles Henry Dow và Edward David Jones.

Trong quá trình phát triển, phân tích kỹ thuật chứng kiến nhiều cái tên đáng chú ý là William P.Hamilton, Robert Rhea, Edson Gould, John Magee, O’Neil, Wyckoff, Tom William…vv. Ngày nay, phân tích kỹ thuật đã phát triển sâu rộng, có hàng trăm mẫu hình và tín hiệu được các tác giả nghiên cứu và công bố.

Cần lưu ý sự phát triển của phân tích kỹ thuật khá đa dạng, dựa trên những phương pháp luận khác nhau. Và chỉ có rất ít trong đó có phương pháp luận khoa học, logic và hiệu quả.

Mr Đoàn Xuân Thạo – Founder Tichtru.com

Ngày nay, có quá nhiều phương pháp phân tích kỹ thuật, và trong mớ hỗn độn này, không phải tất cả đều xuất phát từ những nghiên cứu khoa học, và xứng đáng để chúng ta học hỏi. Hầu hết các phương pháp phổ biến hiện nay như Elliott, Ichimoku, Harmonic… thì đều là sai lầm.

Phân tích kỹ thuật cho bạn biết điều gì?

Vì có nhiều trường phái khác nhau nên để khẳng định phân tích kỹ thuật cho bạn biết điều gì thì sẽ không có câu trả lời chính xác. Tạm thời, Tichtru nhận thấy rằng có 2 nhóm chính như sau:

  • Nhóm trường phái cổ điển, cho rằng có thể giúp Bạn dự đoán được tương lai. Vì vậy, nhóm này dùng các quy luật, công cụ để dự báo tương lai, ví dụ: Dự báo giá cổ phiếu GAS sẽ tăng được lên giá 95 trong 15 ngày nữa.
  • Nhóm trường phái hiện đại, thì cho rằng nhiệm vụ của phân tích kỹ thuật là giúp Nhà đầu tư nhận diện ra được xu thế hiện tại, từ đó có quyết định phù hợp. Ví dụ qua phân tích, trường phái này thấy rằng thị trường đang tạo đỉnh, vì vậy quyết định tốt nhất là nên bán ra. Trường phái này cho rằng không cần dự báo, và không thể dự báo.

Giữa 2 mục đích còn có nhiều tranh cãi, và chắc chắn không thể kết thúc một sớm một chiều. Vấn đề của bạn, là cần xác định đâu mới là trường phái tốt để theo đuổi.

Sơ lược về lịch sử của phân tích kỹ thuật

Hàng trăm năm trước, phân tích kỹ thuật về cổ phiếu và xu hướng của nó đã được manh nha. Tại châu Âu, Joseph de la Vega đã áp dụng các kỹ thuật sơ khai để cố gắng dự báo thị trường Hà Lan vào thế kỷ 17.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Chúng ta biết ơn nhiều những đại diện ưu tú như Charles Dow, Jesse Livermore, Wickoff, O’Neil…vv.

Về mẫu hình nến, được sử dụng phổ biến ngày nay, thì được xuất phát từ đất nước Nhật Bản. Từ xưa, các thương nhân Nhật Bản đã quan sát được các mẫu hình nến hay xuất hiện, để từ đó họ áp dụng cho việc giao dịch lúa gạo. Với sự phát triển của internet, mẫu hình nến được ứng dụng rộng rãi vào những năm 1990 tại Hoa Kỳ.

Các nhà đầu tư đã háo hức phân tích các biểu đồ cổ phiếu trong lịch sử với mong muốn khám phá ra cấc mẫu hình mới để phục vụ cho việc mua-bán. Các mẫu hình nến đảo chiều được thống kê trong lịch sử đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

Cách sử dụng phân tích kỹ thuật

Nguyên tắc cốt lõi của phân tích kỹ thuật đó là Biến động thị trường phản ánh tất cả các thông tin có sẵn có thể tác động. Do đó, không cần phải xem xét đến các động lực kinh tế cơ bản đằng sau cổ phiếu như thế nào, bởi vì người phân tích cho rằng mọi thứ đã được phản ánh vào giá.

Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng giá di chuyển theo xu hướng và lịch sử sẽ lặp lại.

Một cách sơ khai, việc sử dụng phân tích kỹ thuật sẽ có 2 cách: 1) Phân tích các mẫu biểu đồ và 2) Dùng các chỉ báo kỹ thuật.

  • Phân tích các mẫu biểu đồ: là hình thức mà người sử dụng xác định các vùng hỗ trợ/kháng cự trên biểu đồ, và phát hiện ra các mẫu hình nến cụ thể. Các mẫu hình này được củng cố bởi các yếu tố tâm lý, được thiết kế để dự báo hướng đi của giá…
  • Chỉ báo kỹ thuật: Dùng công thức toán học để xác định một số chỉ báo. Các chỉ báo kỹ thuật phổ biến là đường trung bình động, giúp làm mịn dữ liệu, từ đó giúp phát hiện ra xu hướng cổ phiếu dễ dàng hơn. Có 2 nhóm là chỉ báo xu hướng và chỉ báo động lượng

Tuy nhiên trong thực tế không đơn giản có thể phân loại như vậy. Theo Tichtru, việc sử dụng phân tích kỹ thuật ngày nay dựa trên 2 mục đích chính:

  • Dự báo: Nhiều trường phái phân tích kỹ thuật như Elliott, Harmonic, Ichimoku… cho rằng có thể dự báo được giá chứng khoán, và các trường phái này được xây dựng để dự báo. Tichtru gọi đây là trường phái cổ điển.
  • Nhận diện: Trường phái phân tích kỹ thuật hiện đại, với các đại diện tiêu biểu là Livermore, CANSLIM, VSA… thì cho rằng chỉ cần nhận diện được tình hình là đủ, và dựa vào kinh nghiệm, phân tích để có được quyết định mua-bán tốt nhất cho mình.
Mark Minervini – một nhà kinh doanh thành công với phương pháp SEPA do ông đúc kết, phương pháp này chắt lọc, học hỏi nhiều từ VSA và CANSLIM.

Đối với cách phân loại phân tích kỹ thuật này, thì Tichtru nhận thấy nhóm hiện đại có cách tiếp cận khoa học, logic, và ngày càng chứng tỏ được hiệu quả của nó. Quan trọng hơn, nhóm cổ điển như Elliott, Harmonic, Ichimoku… không có một đại diện thành công nào. Còn nhóm thứ 2 thì có rất nhiều.

Phân tích kỹ thuật so với Phân tích cơ bản

Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, là 2 hướng tiếp cận phân tích khi bạn học đầu tư chứng khoán. Và cũng giống bất kỳ lĩnh vực khác, việc tranh cãi của cả 2 phương pháp này đã kéo dài nhiều năm, và chắc chắn sẽ không dẫn đến hồi kết. Vậy, quan điểm của Tichtru là thế nào?

Phân tích cơ bản là phương pháp đánh giá chứng khoán bằng cách cố gắng đo lường giá trị nội tại của một cổ phiếu, so sánh nó với giá trị thị trường hiện tại, và qua đó đưa ra quyết định đầu tư. Cần lưu ý là trong mảng phân tích cơ bản, cũng có nhiều trường phái, và các trường phái này cũng tranh cãi nhau không dứt. Nếu theo Warren Buffett – nhà đầu tư cơ bản vĩ đại nhất – thì bạn chỉ cần hiểu biết rõ về một doanh nghiệp, không cần để ý đến nền kinh tế vĩ mô. Ngược lại, cũng có nhà phân tích khác cho rằng nhất thiết phải nghiên cứu về xu hướng lãi suất, về chu kỳ nền kinh tế…vv

Phân tích kỹ thuật thì chỉ dựa vào dữ liệu là giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ. Với giả định là mọi thông tin – cả cơ bản lẫn vĩ mô – đều sẽ phản ánh vào sự biến động vào giá. Phân tích kỹ thuật cho rằng giá trị nội tại không tồn tại, thứ duy nhất mà chúng ta nên quan tâm là giá trị cảm nhận – hay giá trị thị trường.

Gần 15 năm đầu tư, đội ngũ Tichtru chúng tôi cho rằng sai lầm căn bản của đa số là cứ cố gò ép mình chọn 1 trong 2 phương pháp. Nếu bạn đang ở tình trạng phân vân thì cũng đừng tự vấn bản thân nhiều, bởi tâm lý này đến cả một quốc gia cũng mắc phải.

Trong quá khứ, nhiều quốc gia đã sai lầm khi cứ nghĩ mình phải “chọn phe” là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa. Ngày nay, “ý thức hệ” không còn quan trọng nữa, kể từ ngày một vị nguyên thủ của Trung Quốc nói một câu kinh điển khi chấp nhận Hong Kong trở về với chính sách “một đất nước, hai chế độ”.

Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột

Đặng Tiểu Bình

Theo Tichtru, bạn không cần phải rạch ròi “chọn phe”. Mà quan trọng là phải thấu hiểu điểm mạnh, yếu của mình để có cách tiếp cận hợp lý.

Phương pháp đầu tư của Warren Buffett phù hợp với vị thế tài chính, năng lực của ông. Nó hợp lý đối với ông, nhưng có thể không phù hợp với bạn.

Nếu bạn mong muốn theo đuổi phân tích cơ bản, và đầu tư giá trị giống như Warren Buffett, thì cần nhận diện những cạm bẫy của nó sẽ xảy ra, hãy xem qua bài viết này:

Xem thêm: Đầu tư giá trị và cạm bẫy

Hạn chế của phân tích kỹ thuật

Hạn chế lớn nhất của phân tích kỹ thuật là nó khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng có thể dự báo được giá cổ phiếu, và từ đó làm giàu nhanh từ chứng khoán chỉ với vài “tuyệt chiêu”. Nhiều khóa học, công cụ được quảng cáo trên thị trường cũng đánh vào tâm lý “ham làm giàu nhanh” của nhà đầu tư.

Giới học thuật, vẫn thường chỉ trích phân tích kỹ thuật. Họ cho rằng lịch sử không lặp lại chính xác, vì vậy việc nghiên cứu các mô hình giá xuất hiện nhiều lần trong quá khứ có thể là đáng ngờ và không đáng tin cậy.

Ngoài ra, còn có những lời chỉ trích phân tích kỹ thuật vì nó kích hoạt một loạt các hành động giống nhau. Ví dụ, khi giá cổ phiếu thủng 1 ngưỡng hỗ trợ nào đó, nhiều Nhà đầu tư sẽ đồng loạt bán ra cổ phiếu, vì vậy càng giúp cho tín hiệu kỹ thuật trở nên ứng nghiệm.

Dẫu vậy, theo Tichtru, phân tích kỹ thuật trường phái hiện đại vẫn chứng tỏ được hiệu quả của nó, đối với thực tế tại Việt Nam. Quan trọng là, nó phù hợp với vị thế của một nhà đầu tư cá nhân, có vốn ít, có nhiều bất lợi và khó hiểu biết hết về doanh nghiệp. Chỉ trừ khi bạn là chủ doanh nghiệp, hoặc là người nối dõi của doanh nghiệp niêm yết, thì bạn có thể không cần biết đến phân tích kỹ thuật. Còn nếu không, thì bạn thực sự nên học nó.

Học phân tích kỹ thuật như thế nào?

Có rất nhiều cách để học phân tích kỹ thuật. Ngày nay bạn chỉ cần google là ra vô vàn khóa học – từ free đến học phí cao – trên mạng. Tuy nhiên, hãy duyệt qua xem bạn có mắc một số sai lầm phổ biến sau hay không?

Đầu tiên, là bạn vồ vập và lao vào các trường phái phân tích như Elliott, Ichimoku, Harmonic… và các phương pháp được quảng cáo là giúp bạn dự báo được giá cổ phiếu. Đây vẫn là lỗi kinh điển. Chúng tôi từng có bài phân tích và chỉ ra rằng, các trường phái này là lỗi thời, không hiệu quả, và chỉ khiến bạn lãng phí thời gian, tiền bạc.

Thứ hai, bạn học một cách chắp vá, không hệ thống. Qua đó các kiến thức bạn thu lượm được rất rời rạc, nhiều kiến thức còn là sai lầm (ví dụ như các kiến thức ứng dụng học thuyết Random Walk vào phân tích kỹ thuật). Điều này khiến bạn mất vô vàn thời gian, và năng lượng.

Việc “lựa chọn đúng ngay từ đầu” là rất quan trọng. Bạn chăm chỉ, bạn nỗ lực nhiều, nhưng nếu “những “bập” vào con đường sai lầm, vào những phương pháp vô bổ, thì bạn sẽ chỉ lãng phí thời gian quý báu của mình.

Trong phân tích kỹ thuật, hãy tìm hiểu về phương pháp VSA, CANSLIM… những trường phái hiện đại, với cách nghiên cứu, tiếp cận khoa học.

Tại Tichtru, Chúng tôi đang xây dựng một khóa học về phân tích kỹ thuật rất tâm huyết, sẽ golive trong thời gian sớm nhất. Mời bạn tìm hiểu thêm.


Comments

2 responses to “Phân tích kỹ thuật là gì?”

  1. […] Phân tích kỹ thuật là gì? […]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *