Mô hình Cốc và tay cầm

Mô hình Cốc Tay Cầm tại CVT năm 2014

Năm 2014, Chúng Tôi tư vấn cổ phiếu CVT – CTCP CMC – khi nhận thấy xuất hiện mô hình Cốc và tay cầm trên đồ thị kỹ thuật của CVT. Đây là mô hình kỹ thuật kinh điển thường xuất hiện ở siêu cổ phiếu. Thực tế, sau khi mẫu hình này xuất hiện, CVT đã tăng giá hơn 100%.

Mô hình Cốc và tay cầm là gì?

“Cốc và tay cầm” là một mô hình giá tiếp diễn xu thế tăng, mà tác giả William O’Neil phát hiện ra nó rất hay xuất hiện ở các siêu cổ phiếu tăng giá bằng lần. Mô hình này được đề cập và phân tích trong cuốn sách “Làm giàu qua chứng khoán”.

Mô hình này được hình thành bởi 2 phần, có hình dạng như một cái cốc (Cup) và phần tay cầm (Handle). Cho nên, O’Neil đã hình tượng nó một cách dễ hiểu bằng cụm từ “Cup and Handle”.

Mô hình Cốc và tay cầm chuẩn mực tại Việt Nam
Mô hình Cup and Handle chuẩn mực xuất hiện tại Việt Nam, trên đồ thị của CVT năm 2014.

“Các mẫu cốc có thể tồn tại từ 7 tuần đến 65 tuần, nhưng hầu hết chúng tồn tại từ 3 đến 6 tháng. Sự điều chỉnh thông thường từ đỉnh tuyệt đối (đỉnh cốc) đến điểm thấp (đáy cốc) của mô hình giá này thay đổi từ khoảng 12% đến 15% cho đến 33%. Một mô hình giá mạnh thuộc bất kỳ loại nào phải luôn có xu hướng tăng giá rõ ràng và xác định trước khi bắt đầu mô hình cơ sở của nó.” 

William O’Neil

Đến nay, sự chính xác của mô hình này vẫn đang gây tranh cãi, và có quá nhiều các ví dụ được lan truyền cho thấy sự ngộ nhận. Bản thân Oneil cũng không hề gò bó mẫu hình này phải đáp ứng tiêu chí này tiêu chí kia, ông rất linh hoạt. Cũng chính ông, trong một đoạn khác, có nói rằng:

Phần cốc đôi khi sâu hơn, giảm 50% đến 75%. Còn có những chiếc cốc không có tay cầm.

William O’Neil

Rất nhiều chuyên gia đọc chưa kỹ về mô hình này, và “sáng tác” ra các biến thể như “Mô hình Cốc và tay cầm đảo ngược”. Hãy chú ý nghiền ngẫm những dấu hiệu mà Oneil từng viết, để thấy rằng “Mô hình Cốc và tay cầm” là một “mô hình giá tiếp diễn xu thế tăng”.

“Bạn nên tìm kiếm mức tăng giá ít nhất 30% trong xu hướng tăng trước đó, cùng với việc cải thiện sức mạnh tương đối và khối lượng giao dịch tăng rất đáng kể tại một số điểm trong xu hướng tăng trước đó.”

CVT – mô hình Cốc và tay cầm kinh điển xuất hiện năm 2014

(dưới đây là bản phân tích mô hình Cốc và tay cầm trên đồ thị của CVT năm 2014. Dữ liệu giá được giữ nguyên trong quá khứ)

Bất kỳ mẫu hình tiếp diễn xu thế tăng giá nào cũng đều phải đáp ứng 2 tiêu chí đặc trưng: Giá đang trong xu thế tăng trung hạn và Thời gian hoàn thành mẫu hình phải đủ dài . CVT đáp ứng cả 2 điều kiện này khi tăng giá từ 8.0 – đầu năm 2014 – lên vùng giá hiện tại 18 và mất 5 tháng để hình thành mẫu hình Cốc và tay cầm.

Để NĐT tiện theo dõi, chúng tôi chú thích trên đồ thị của CVT, trong đó mẫu hình Cốc và tay cầm của CVT bắt đầu hình thành từ tháng 3/2014 và kết thúc vào phiên 08/08 vừa rồi, với các phần: Cốc (từ tháng 3 đến hết tháng 6, tương ứng đường vòng cung lớn trên đồ thị với 2 khu vực A và B); phần Tay cầm mất 1 tháng hình thành tương ứng đường vòng cung nhỏ với 2 khu vực C và D. Cụ thể:

  • Cốc: Phần Cốc của CVT bắt đầu hình thành (từ điểm A) trùng với nhịp điều chỉnh trung hạn của toàn thị trường (VNIndex từ 608 về 508), CVT điều chỉnh từ mức cao nhất 16.8 về ngưỡng thấp nhất 13 (tương ứng giảm 22% – nằm trong giới hạn cho phép của Oneil). Chúng tôi theo dõi sát sao CVT khi nhịp chỉnh của CVT đi kèm với khối lượng giảm dần và bắt đầu xuất hiện tín hiệu cạn cung khi về vùng 13-14 (khu vực B). Khoảng thời gian 2 tháng 5-6 ngẫu nhiên trùng với sự kiện biển Đông nhưng giá CVT không giảm mạnh theo thị trường, khối lượng giao dịch cạn kiệt và biến động giá trong biên độ rất hẹp diễn ra liên tục trong 2 tháng chứng tỏ: Những cổ đông yếu đuối đã thoát ra trong khu vực đáy cốc, lượng hàng trôi nổi còn sót lại trên thị trường đã được thu gom trước khi cổ phiếu hình thành phần còn lại của mẫu hình:
  • Tay cầm: Khi CVT bứt phá đỉnh cũ 16.8 vào ngày 10/07, hai bên cung-cầu thường rơi vào trạng thái phân vân về độ bền vững của vùng giá mới. Đây là nguyên nhân hình thành nhịp điều chỉnh về vùng đỉnh cũ 16.8 – tương ứng với phần Tay cầm của mẫu hình. Theo dõi chặt khu vực Tay cầm để thấy rõ xu thế giảm của khối lượng diễn ra cùng nhịp với diễn biến giá, những phiên giảm điểm mạnh luôn đi kèm khối lượng rút dần hàm ý lực bán yếu, không có hiện tượng tháo chạy bằng mọi giá như khi phân phối.

Giá về vùng đỉnh cũ 16.8 thì bắt đầu dừng rơi và tích lũy khoảng 2 tuần trước khi bứt phá tiếp qua đỉnh 18.3 vào phiên 08/08 với khối lượng gấp 2.5 lần trung bình các phiên trước đó, qua đó chính thức hoàn thiện phần quan trọng nhất của mẫu hình.

Mục tiêu mẫu hình: Người phát kiến ra mẫu hình -William J’ Oneil – chưa từng đề cập về việc xác định mục tiêu của mẫu hình Cốc và tay cầm. Ông chỉ khẳng định rằng, đây là mẫu hình tiếp diễn xu thế tăng giá trong trung hạn hiệu quả khi nó từng báo hiệu những đợt tăng trưởng vài trăm phần trăm của các cổ phiếu ở thị trường Mỹ.

(Thực tế, sau đó CVT có hành trình tăng giá hơn 100% chỉ trong vài tháng. Trở thành 1 case-study kinh điển về phân tích kỹ thuật. Xem bài phân tích được đăng tải tại F319 năm 2014).