Lợi thế cạnh tranh bền vững là gì

Lợi thế cạnh tranh bền vững là gì? 4 lợi thế phải biết

Bạn có biết vì sao Công ty chủ quản của Zalo – ứng dụng OTT mà bạn sử dụng hàng ngày, năm 2019 được định giá 2.2 tỷ đô la, còn cao hơn cả Thế giới di động, gấp đôi FPT. Đến lúc này, hãy tự hỏi xem Zalo có Lợi thế cạnh tranh bền vững gì mà được định giá cao như vậy?

Lợi thế cạnh tranh bền vững là gì?

Lợi thế cạnh tranh bền vững là những tài sản của công ty, thuộc tính hoặc tính năng khó có thể sao chép hoặc vượt qua; cung cấp một vị trí dài hạn hoặc thuận lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Ngôn ngữ hàn lâm khoa học là vậy, song theo Chúng Tôi, hiểu nôm na, “lợi thế cạnh tranh bền vững” là đặc tính khác biệt, nổi trội của doanh nghiệp mà các đối thủ rất khó bắt chước.

Giống như bước vào chiến trường, đối thủ là thổ dân chỉ biết dùng giáo, mác, kiếm… còn bạn thì đang có khẩu đại bác trong tay. Khoảng cách giữa ta và địch là hơn 100 năm.

Nếu để ý một chút trong cuộc sống hàng ngày, không khó để nhận ra rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có “Lợi thế cạnh tranh bền vững”:

  • Em gái bạn muốn mua một chiếc xe Yamaha cá tính. Có thể bố bạn, mẹ bạn, và thậm chí cả đại gia đình sẽ xúm vào tư vấn về ưu điểm của dòng xe Honda như độ bền, tiết kiệm xăng, dễ sửa chữa…vv để em gái bạn bỏ qua ý định “cưới” Yamaha đi. Rất có thể em gái bạn sẽ suy nghĩ lại và tặc lưỡi chọn một em SH mode hay Lead.
  • Khi mua giày dép, nhiều phụ huynh có tâm lý “mua Bitis cho bền”, và câu slogan kinh điển “Nâng niu bàn chân Việt” lại vang lên trong đầu.
  • Tập đoàn Thép Hòa Phát có công nghệ sản xuất thép khép kín, quy mô đầu ra rất lớn (hiện nay có công suất số 1 Đông Nam Á). Nếu so sánh Biên Lợi nhuận gộp của HPG với các doanh nghiệp cùng ngành như HSG, POM, NKG… bạn sẽ thấy HPG luôn cao hơn 2-4%. Để phá vỡ được “ưu thế” này của HPG, các doanh nghiệp khác phải tính đến bài toán vài tỷ đô đầu tư, cùng thủ tục pháp lý, quy hoạch… rất loằng ngoằng. Bạn đã hiểu thế nào là “bền vững” chưa? 

Trở lại ví dụ đầu bài, tại sao Zalo được định giá cao như vậy? Và các ứng dụng OTT khác như Mocha (Viettel), Messenger (Facebook), Viber, Telegram…vv dù cố gắng nhưng đều khó có cửa vươn lên giành thị phần?  Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chắc chắn có một nguyên nhân là “cộng đồng người dùng lớn” đã tạo ra cho Zalo một “lợi thế cạnh tranh vô cùng bền vững”, giống như Facebook trong lĩnh vực mạng xã hội.

Minh họa nhé, dù bạn có yêu thích Telegram đến mấy, nhưng nếu bạn bè, đồng nghiệp, gia đình bạn lại đang dùng Zalo, thì bạn có lựa chọn nào khác ngoài việc cài thêm Zalo không? Cũng như trong lĩnh vực mạng xã hội, các mạng xã hội của Việt Nam như Lotus, Zing, Hoahola gì đó… sẽ rất khó lấy được thị phần của Facebook nếu sản phẩm, dịch vụ của họ có phần… na ná Facebook. 

Thành công của Zalo, Facebook có thể lý giải ở nhiều góc độ, trong đó một nguyên nhân chính phải kể đến là họ “đi trước”. Nên khi các đối thủ khác nhận ra, thì kẻ đi trước đã chễm chệ ở ngôi đầu và xây chắc lợi thế cạnh tranh rồi. Sẽ rất khó cho người đi sau nếu chỉ tạo ra sản phẩm dịch vụ y chang, hoặc không có nhiều khác biệt.

Vì vậy, trong các lĩnh vực mới như Thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là Thương mại điện tử, các doanh nghiệp thi nhau “đốt tiền” để thu hút người dùng. Mục tiêu, là khi trở thành “Amazon của Việt Nam”, bạn sẽ có lợi thế thênh thang và vững chắc về sau này.

Học đầu tư chứng khoán & 5 cách học hiệu quả nhất cho người mới

Quan điểm của Warren Buffett về lợi thế cạnh tranh bền vững

Buffett là bậc thầy trong việc nhận diện các doanh nghiệp có Lợi thế cạnh tranh “siêu bền vững”. Thời điểm ông nhảy vào đầu tư là khi các doanh nghiệp này “gặp phải một rắc rối có thể xử lý”.

Cực đoan hơn, Warrent Buffett thường thích các doanh nghiệp tạo được lợi thế đến mức “độc quyền” trong lĩnh vực của mình, qua đó đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài, tránh được sự đe dọa, thâm nhập của đối thủ.

Ông gọi lợi thế cạnh tranh bền vững bằng một cái tên rất hình tượng – “cái hào kinh tế” (economic moat, hay moat).

Đối với ông, doanh nghiệp như một pháo đài, được bảo vệ bởi một cái hào rộng, sâu, và thả đầy cá sấu. Khách hàng đáng mến đang sống trong pháo đài này, hay – diễn đạt theo cách không lịch sự lắm – thì khách hàng đang bị “nhốt” trong pháo đài của doanh nghiệp. Chẳng thể chạy đi đâu được.

Tại sao người dùng các sản phẩm của Apple hiếm khi chuyển sang sử dụng thiết bị của hãng khác? Vì Apple đã mất nhiều công sức để tạo ra một hệ sinh thái ứng dụng cho các sản phẩm của mình, và đồng bộ chúng với nhau. Bạn dùng Iphone thì sẽ dễ dàng đồng bộ, kết nối với Ipad, Macbook, dùng các dịch vụ của Apple như Itunes…vv Việc chuyển đổi sang một hãng khác thay thế, cũng được thôi, nhưng gặp rất nhiều trở ngại, phải thay đổi nhiều thói quen cố hữu hàng ngày. Nếu bạn gặp tình trạng như vậy, ắt hẳn bạn đang bị “nhốt” trong pháo đài của Apple rồi.

Warrent Buffett từng nói ông không đầu tư vào doanh nghiệp công nghệ vì ông không hiểu về công nghệ. Nhưng hiện nay khoản đầu tư lớn nhất của ông là vào Apple. Ông đầu tư vào hãng công nghệ này từ 2016, và đây trở thành thương vụ đầu tư thành công nhất trong cuộc đời ông.

Apple không phải là một hãng công nghệ! Bạn không nghe lầm. Với những lợi thế cạnh tranh bền vững của Apple thì:

Buffett coi Apple là một “doanh nghiệp tiêu dùng”, giống như Cocacola.

Đoàn Xuân Thạo – Founder Tichtru.com

Phân loại “lợi thế cạnh tranh bền vững”

Rất khó để phân loại, bởi đầu tư thì không nhất thiết phải rành mạch như toán học. Nhất là trong thời đại ngày nay, có nhiều “lợi thế” của doanh nghiệp ra đời mà Nhà đầu tư – nếu bám vào mớ  lý thuyết cũ – sẽ rất khó nhận ra. Kinh nghiệm của Chúng tôi, khi phân tích một doanh nghiệp, để nhận diện ra lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp đó, Chúng Tôi sẽ đặt câu hỏi:

Doanh nghiệp này có lợi thế nổi trội gì mà đối thủ chưa có, và rất khó để có?

Đấy là kinh nghiệm của Tichtru , còn theo học thuật, sách vở của những bậc thầy đầu tư, có thể phân loại “Lợi thế cạnh tranh bền vững” như sau:

1. Thương hiệu

Sự yêu thích, trung thành, thậm chí là cuồng nhiệt của người tiêu dùng đối với một nhãn hàng/thương hiệu là điều công ty nào cũng muốn sở hữu, nhất là đối với các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng, xa xỉ…

Bạn khát nước, tâm trí bạn có đã nhanh chóng “nhớ” về lon Cocacola mát lạnh, cảm nhận khoái cảm khi thứ nước đen huyền bí đó chảy qua cổ họng?

Khi khách hàng không chỉ đơn giản là cần để đáp ứng nhu cầu, mà họ “khao khát sở hữu” sản phẩm của doanh nghiệp, đó thực sự tài sản vô giá.  Vậy nên câu nói “Nâng niu bàn chân Việt” không đơn giản chỉ là một slogan thông thường, mà còn là tài sản của doanh nghiệp. Giống như Apple, Google…

Buffett cho rằng hàng chục năm sau, người ta vẫn sẽ đam mê thứ nước đen huyền bí chảy qua cổ họng.

1985, Cocacola ra chiến dịch thảm họa mang tên NewCoke. Giá cổ phiếu xuống dốc, và Warrent Buffet xuất hiện mua vào vì ông tin rằng “Mấy chục năm sau người ta vẫn khao khát thứ nước đen huyền bí của Cocacola trôi qua cổ họng”

2. Chi phí thấp

Trong những ngành sản xuất hàng hóa cơ bản như sắt thép, dầu, cao su, xi măng, hóa dầu, siêu thị… khách hàng rất khó cảm nhận được sự khác biệt về sản phẩm, thì liệu có cơ hội nào cho doanh nghiệp tạo ra được lợi thế cạnh tranh bền vững?

Có, hãy bán giá thấp!

Muốn bán được giá thấp, phải sản xuất sản phẩm đó với chi phí thấp; muốn chi phí thấp, con đường gần như duy nhất là phải tăng quy mô đầu tư, giảm chi phí cố định tính trên một đầu sản phẩm giảm thấp nhất có thể. Khi đó, các đối thủ cạnh tranh muốn san lấp khoảng cách này, bắt buộc phải đầu tư một số tiền khổng lồ, cùng hàng loạt rào cản khác.

Wallmart – tập đoàn bán lẻ số 1 thế giới, là ví dụ tiêu biểu trong việc tạo ra lợi thế chi phí thấp so với đối thủ. Còn ở Việt Nam, không có ví dụ nào tốt hơn là Tập đoàn thép Hòa Phát, người vươn lên vị trí số 1 ngành Thép ở Việt Nam nhờ quy mô lớn. Riêng khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Dung Quất, mới được nâng tổng vốn đầu tư lên 60.000 tỷ đồng. Đây là con số đủ để khiến các đối thủ cạnh tranh khác phải chán chường nếu có ý định san lấp khoảng cách về Biên lợi nhuận gộp với Hòa Phát.

3. Chi phí chuyển đổi

Khách hàng phải chịu đựng các chi phí, các phiền toái, các rắc rối… nếu chuyển sang sử dụng sản phẩm của đối thủ . Đó là khi doanh nghiệp tạo ra được lợi thế bền vững mang tên “chi phí chuyển đổi”.

Ví dụ về cô em gái muốn mua xe Yamaha ở phần đầu là một thực tế xảy ra hàng ngày. Hay các phiền phức sẽ xảy ra khi bạn muốn sử dụng Telegram/Mocha… thay vì Zalo. Cuối cùng, bạn cũng tặc lưỡi cài zalo mà thôi.

Ở tầm thế giới, không khó để kể ra các ví dụ điển hình: Bạn sử dụng máy tính có hệ điều hành Windows, sử dụng Office của Microsoft (Sếp gửi file Excel định dạng xlsx, không lẽ bạn sử dụng sản phẩm office khác?), lên mạng Facebook hàng ngày và sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định. 

4. Tài sản vô hình

Tài sản vô hình của doanh nghiệp cũng có thể trở thành một “lợi thế cạnh tranh bền vững” trong cạnh tranh. Đó có thể là bằng sáng chế, độc quyền về nguyên/vật liệu hay thị trường, giấy chứng chỉ xuất khẩu sang các thị trường khó tính (đặc biệt cần trong ngành chiếu xạ thực phẩm)…vv. 

Tháng 8/2020, khi Việt Nam vẫn đang chống chọi với đại dịch Covid, một doanh nghiệp trên sàn là Hóa chất Đức Giang (mã: DGC), công bố đã sản xuất được chế phẩm Cloramin B (trước đó phải nhập khẩu, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất được). Sau 1 năm kể từ tháng 8/2020, giá cổ phiếu DGC đã tăng 3 lần. 

… còn nhiều “Lợi thế cạnh tranh bền vững” khác mà trong khuôn khổ bài viết này, Chúng tôi không thể chia sẻ hết. Trong Khóa học đầu tư chứng khoán của Chúng Tôi đang xây dựng, học viên sẽ được giải thích rõ hơn về chủ đề này.

Tránh các doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh

Không nhất thiết doanh nghiệp phải có “lợi thế cạnh tranh bền vững”, nhưng hãy tránh xa các doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh

Số lượng doanh nghiệp có được “lợi thế cạnh tranh bền vững” là không nhiều. Có những ngành nghề đặc thù, mà nguồn cung sản phẩm rất nhỏ, thì chỉ cần doanh nghiệp có sản phẩm bán thôi cũng sẽ tăng trưởng tốt. Khi đầu tư, chọn được doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững là rất tốt, nhưng nó không phải là tiêu chí “bắt buộc”. 

Tình huống các NĐT gặp trong thực tế nhiều hơn là khi doanh nghiệp mất đi “lợi thế cạnh tranh” của mình. Lúc này, hãy tránh xa cổ phiếu, ngay cả khi các con số trên Báo cáo tài chính vẫn tốt đẹp:

  • Superdong (mã: SKG) là doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa giữa đất liền – đảo Phú Quốc. Doanh nghiệp có gần 10 tàu cao tốc. Biên lợi nhuận gộp thường xuyên trên 70%. Từng là một cổ phiếu tốt trên sàn chứng khoán với các chỉ số tài chính đẹp lung linh Nhưng cổ phiếu lập đỉnh dài hạn vào cuối 2016 khi lợi thế cạnh tranh của DN – đó là tính độc quyền bị phá vỡ – khi có thêm doanh nghiệp khác nhảy vào cạnh tranh, với đội tàu mới, và giá vé thấp hơn tối thiểu đến 20%.
  • Đầu 2017, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) nhảy vào mảng nhựa dân dụng, nhựa xây dựng… khiến 2 ông lớn Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP) mất đi lợi thế cạnh tranh của mình, hình thành thế “chân vạc” như thị trường viễn thông đầu những năm 2000. Giá cổ phiếu BMP, NTP sau đó lập đỉnh dài hạn từ cuối 2017 và đi xuống suốt vài năm sau đó.
Khi doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh của mình, thì bức ảnh này là hậu quả

Tổng kết

Sai lầm phổ biến của các Nhà đầu tư là quá coi trọng Báo cáo tài chính mà bỏ qua các kiến thức quan trọng khi nghiên cứu một doanh nghiệp: đó là sản phẩm, mô hình kinh doanh, lợi thế cạnh tranh…vv Trong khi đó mới là các yếu tố quyết định, còn Báo cáo tài chính chỉ là số liệu quá khứ, chỉ nên được dùng để “hậu kiểm” lại các luận điểm đầu tư.

Việc thấu hiểu lợi thế cạnh tranh bền vững giúp ích rất nhiều khi các bạn lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư dài hạn, hoặc thiết thực hơn là áp dụng cho mô hình kinh doanh của mình.

Hy vọng những phân tích trên đây sẽ giúp ích cho các bạn. Đừng ngần ngại chia sẻ bài viết nhé!


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *